Vừa bước vào những ngày đầu tháng 4, giá cát quanh khu vực TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh thành trên toàn quốc liên tục biến động, tăng chóng mặt. Nguyên nhân tăng giá cát xây dựng không phải do chỉ thị siết cấp phép nạo vét sông và khai thác cát lậu mà có khả năng do nạn đầu cơ, thao túng thị trường.
Cảnh báo nguy cơ khan hiếm cát…
Theo SGGP, từ đầu tháng 4 tại TP.HCM giá cát xây dựng tăng 100%, trong khi nguồn cung giảm hơn 50%. Theo các chủ cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, sau thời gian dài ổn định, từ hạ tuần tháng 3 giá cát bắt đầu rục rịch tăng, sau đó liên tục tăng. Cụ thể, đầu tuần 1 tháng 4, giá cát bán lẻ giao động từ 220.000 đồng đến 260.000 đồng/khối, đến cuối tuần đã tăng mạnh lên 450.000 đến 500.000 đồng/khối đối với cát vàng dùng cho xây dựng và từ 150.000-170.000 đồng/khối lên 250.000 đến 270.000 đồng/khối đối với cát san lấp.
Còn tại Hà Nội, giá cát cũng đang trên đà tăng mạnh. Theo chủ DNTN Minh Đức, chuyên cung cấp vật liệu xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội, nếu vận chuyển trong phạm vi dưới 10 km, giá cát thô san lấp do doanh nghiệp (DN) giao là 120.000 đồng/m3, cao hơn 40.000 đồng/m3 so với trước. Cát vàng xây tô cũng tăng trên 200.000 đồng/m3, trước đây khoảng 180.000 đồng/m3. “Giờ cát rất khan hiếm. Nếu có nhu cầu thì nên mua bây giờ chứ nhiều khả năng một thời gian nữa, giá sẽ càng lên vì việc khai thác cát đang bị siết chặt; khu vực Bắc Ninh, Bắc Giang phải dừng lại để thanh tra toàn bộ” - chủ DN này giải thích.
Không loại trừ nguyên nhân giá cát tăng do đầu cơ?
Trên thực tế, tại Việt Nam, nhu cầu về cát, sỏi để phục vụ cho san lấp, xây dựng công trình nhà ở, hạ tầng giao thông… luôn ở mức cao. Cát, sỏi đang là loại vật liệu xây dựng không thể thay thế. Nhu cầu tiêu dùng lớn, nguồn cung thấp đã dẫn đến tình trạng thị trường luôn khan hiếm cát.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - nhận định đúng là có hiện tượng một phần nguồn cung cát bị thiếu hụt do việc ngăn chặn khai thác cát trái phép song việc thiếu hụt này chưa đến mức khiến giá tăng cao, có nơi lên 2-2,5 lần. “Nhiều khả năng đây là hiện tượng đầu cơ. Các cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ vì sao giá tăng, đâu thể để ai muốn tăng thì tăng” - ông Liêm nói.
Theo Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, ông Ngọ Duy Hiểu, tuy không có con số thống kê chính thức lượng cát hút lậu trên địa bàn TP Hà Nội nhưng có thể khẳng định chưa đến mức “sốt” giá quá lớn. Không loại trừ khả năng cát bị làm giá, gây bất ổn thị trường. Theo ông Hiểu, giải pháp tốt nhất hiện nay là phải làm tốt khâu quản lý, khai thác để làm sao vừa không hạn chế quyền chính đáng của DN muốn khai thác cát theo pháp luật và không cho DN bất hợp pháp chen chân vào thị trường. “Động thái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các cấp chính quyền đã tạo ra sự chuyển biến lớn trong quản lý khai thác cát nhưng vấn đề là phải lâu dài, bền vững. Phải xem xét lại quy hoạch khai thác cát, sỏi để khoanh vùng khu vực được phép khai thác và không được phép khai thác, tổ chức đấu thầu để các DN làm ăn chính đáng vào khai thác bởi nhu cầu đang rất lớn. Không để cho đơn vị bất hợp pháp lọt vào nữa. Như vậy, giải pháp phải căn cơ” - ông Hiểu góp ý.
Giải pháp nào cho doanh nghiệp xây dựng?
Dù giá cát tăng do chỉ thị siết cấp phép nạo vét sông và khai thác cát lậu của nhà nước hay do nạn đầu cơ, thao túng thị trường thì đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, nhiều nhất là chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, các hộ gia đình đang xây dựng nhà ở dân dụng. Bổi vì cát thường chiếm khoảng 50% tổng khối lượng công trình nên việc tăng giá khiến nhiều công trình bị đội lên cao, nhiều nhà thầu vẫn chưa biết phải xử lý như thế nào. Giá cát tuần 1 tháng 4 là vậy nhưng sang đến tuần này không chừng sẽ tăng cao hơn nữa.
Theo bà Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng Phòng Vật liệu xây dựng Sở Xây dựng TP HCM, để giúp người dân, DN nắm bắt được giá, sở thường xuyên cập nhật, đăng tải bảng giá tham khảo từ nhiều đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng. Về nghi vấn giá cát tăng do Chính phủ chỉ đạo siết chặt khai thác cát lậu, bà Thanh cho rằng chưa có cơ sở đánh giá cụ thể. Trên thực tế, tỉ lệ sử dụng nguồn cát chính thống hay cát lậu bao nhiêu khó xác định bởi qua quá trình thanh kiểm tra, hầu hết các đơn vị thi công đều có đầy đủ hóa đơn.
Nguồn: cafef.vn